Là người con Việt Nam, thì dù có giàu sang hay nghèo túng, không một ai lại không biết đến đôi đũa tre mộc mạc mang đầy ý nghĩa đậm đà là linh hồn của đất nước Việt Nam. Đôi đũa tre dường như đã trở thành một đặc điểm văn hóa không kém gì chiếc áo bà ba dịu dàng, tà áo dài duyên dáng, những món ăn thuần túy canh chua cá kho tộ đậm chất Việt Nam. Từ đồng quê cho đến thành thị hay từ những ngôi nhà lập mái lá đến những căn nhà cao tầng sầm uất, không có gia đình nào thiếu đi đôi đũa tre trong các bữa ăn hàng ngày

   Ở những vùng quê Việt Nam, nhắc đến tre ta lại hình dung ra một hình ảnh thơ mộng, tre mọc khắp nơi, từ đầu đình cho sân nhà. Chỉ biết rằng người dân Việt khi trồng tre, họ không hề nghĩ đến kinh tế hay trang trang trí mà vì lũy tre xanh ấy là bản thân, linh hồn và là đất nước quê hương của họ nghĩ đến thôi sao thấy thân thương. Vì vậy cứ mỗi khi cầm trong tay đôi đũa tre, người dân Việt lại cảm thấy gần gũi và ấm áp. Đũa tre tuy đơn giản mộc mạc, nhưng thầm nhắc nhở con cháu Việt Nam trong mọi lúc về trách nhiệm biết đất nước của mình từng bữa ăn

Tre vẫn mãi là nguồn cảm hứng bất tận của các nhà văn qua các thế hệ. Không có hình ảnh nào có thể đẹp hơn lúc vầng trăng đang treo lơ lửng trên đầu ngọn tre vào những ngày rằm, với những chiếc lá nhẹ nhàng lay động theo chiều gió. Từ xa xưa, ông cha ta dùng tre để làm vũ khí đánh giặc giữ nước và bảo vệ dân làng. Tre còn như mái nhà che chở trong cái nắng chói chang sau những giờ đồng áng mệt mỏi. 

Ngày nay, ta thấy nhiều loại đũa xuất hiện trên thị trường được làm bằng nhiều nguyên liệu quí giá như vàng, bạc, ngà, mun,… dùng để chưng bày, hay xài vào các dịp lễ tết, còn hằng ngày các gia đình vẫn dùng đũa tre đơn sơ để ăn cơm theo truyền thống.

Đũa tre trong gia đình nào cũng giống nhau, như một nhịp cầu kết hợp người dân Việt với nhau được ví như bộ đồng phục mang ý nghĩa bình đẳng trên khắp cả nước. Trong kho tàng ca dao tục ngữ Việt nam nhiều lần chứng minh cho ta thấy về sự bình đẳng được biểu hiện qua đôi đũa qua văn chương. Trong một đôi đũa hai chiếc đũa bằng nhau biểu hiện cho sự bình đẳng trong đời sống giữa hai vợ chồng như trong – câu vợ chồng như đũa có đôi

Từ đó ta thấy rằng, người dân Việt Nam đã đi xa hơn với hình ảnh đôi đũa tre nói về sự bình đẳng, xem như là yếu tố không thể thiếu trong hôn nhân và tình bạn bền lâu. Điểm đặc biệt hơn là kho tàng Việt Nam còn dùng đũa để kể truyện như: để dạy con cháu hiểu về sự đoàn kết dùm bọc lẫn nhau trong câu truyện Bó đũa hay như câu tục ngữ – Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao

Nguồn gốc về đôi đũa bắt nguồn từ năm nào thì vẫn chưa ai xác định được, tuy nhiên các nhà khảo cổ học đã cho rằng đôi đũa có lẻ xuất hiện đầu tiên ở Trung Hoa cách đây hơn năm ngàn năm vào triều đại thời nhà Tần.

Không biết rằng có phải người Việt chịu ảnh hưởng việc dùng đũa hay không, chỉ biết rằng họ rất qúy mến, trân trọng và gần gũi đôi đũa tre hơn cả người bạn chí thân của họ.

Như vậy, đôi đũa tre tuy đơn sơ mộc mạc của người Việt luôn hiện diện trong mọi gia đình, luôn thầm nhắc nhở họ tình yêu với quê hương đất nước, về sự đoàn kết và bình đẳng trong xã hội Việt nam. Trước khi ta dùng cơm, hãy nhìn vào đôi đũa tre thân thương kia mà nhận ra ý nghĩa sâu sắc mang tình cảm gia đình, tình nghĩa chồng vợ trong mối quan hệ hài hòa. Nhìn thật sâu về đôi đũa tre, ta sẽ biết nên làm gì trong bổn phận và trách nhiệm của một người con đất Việt.